Về Thăm Miền Tây - Thuê xe Cần Thơ

Về Thăm Miền Tây

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/12/2014 22:03 - Người đăng bài viết: admin

Sinh ra và lớn lên ở miền bắc, từ nhỏ tôi đã được biết về miền tây là một vùng đất rất xa với vườn trái trĩu quả, thơm ngon qua những trái sầu riêng, măng cụt của cậu út gửi ra cho gia đình. Lớn lên đi học qua sách vở, báo chí, mạng vi tính và bạn bè tôi được biết nhiều hơn về vùng cuối trời tổ quốc. Điều đó lại càng nung nấu trong tôi niềm khao khát mãnh liệt được ghé thăm miền tầy một lần.

Về Thăm Miền Tây

Về Thăm Miền Tây

 “Anh có về thăm quê - miền tây
Nỗi khát khao nhiều năm mơ ước
Hương phù sa quyện mùi tràm đước
Thơm thịt da – một thuở cha ông”
 
Nhân một chuyến công tác vào nam, tôi được dịp ghé thăm nhà cậu út ở Cần Thơ. Thế là sau khi kết thúc công việc đã được giao, tôi đã xin nghỉ thêm vài ngày để được thăm thú miền đất Tây Đô, thủ phủ của miền tây mến yêu.
Trong hành trình tìm hiểu về đất Cần Thơ, cậu đã đưa tôi đến tham quan tại chợ nổi Cái Răng, đây là một trong những chợ nổi nổi tiếng và lâu đời nhất tại miền tây. Có thể nói đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi thì xem như chưa đến đây. Chợ nổi là một nét sinh hoạt đặc trưng chỉ có ở vùng đất này do có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên từ xa xưa khi đường bộ chưa phát triển người ta đã tận dụng lợi thế này để di chuyển, giao thương  giữa các địa phương. Chợ được hình thành ở những vùng ngã ba, ngã năm, ngã bảy sông. Để đến được chợ nổi Cái Răng, tôi và cậu đã thuê tàu của một  công ty du lịch địa phương, xuất phát từ bến Ninh Kiều đi khoảng hơn 20 phút lênh đênh trên sông Cần Thơ.  Trên đường đi, tôi được hướng dẫn viên giới thiệu về vùng đất Tây Đô, về cuộc sống của người dân thương hồ gắn liền với những hành trình dài trên những dòng sông và ngắm nhìn cảnh sông nước, ghe tàu di chuyển tập nập. Lúc trước đây, để đi chợ nổi du khách thường xuất phát khoảng 4 – 5h sáng khi mặt trời còn chưa ló dạng  mới có thể chiêm ngưỡng được cảnh hàng trăm ghe tàu buôn bán nhộn nhịp vì họ phải mua hàng hóa sớm để kịp mang đến những địa phương khác để bán. Ngày nay do giao thông trên bộ khá phát triển nên việc buôn bán trên chợ không còn nhộn nhịp như xưa, tàu để đây thường lấy hàng hóa mang về những địa phương xa để bán lại đồng thời cũng để phục vụ nhu cầu tham quan ngày càng đông của du khách nên chợ hợp trễ hơn. Chính vì vậy mà các tour du lịch đi tham quan chợ nổi thường xuất phát khoảng từ 6h30 còn nếu bạn đi thêm vườn trái cây, rạch nhỏ hay KDL Mỹ Khánh thì sẽ khởi hành trễ hơn.


Tàu vừa tới chân cầu Cái Răng là tôi đã nhìn thấy thấp thoáng bóng của những cây bẹo, những chiếc ghe bầu chở đầy hàng hóa và cũng bắt đầu cảm nhận được không khí náo nhiệt, ồn ào của một khu chợ trên sông vào buổi sáng sớm. Tại chợ nổi lúc bấy giờ có đến hàng trăm chiếc ghe tàu đủ mọi kích cỡ, đậu san sát vào nhau hoặc chỉ chưa một khoảng trống đủ để một chiếc tàu du lịch đi qua. Trên mỗi ghe thường cắm một cây sào theo phương thẳng đứng và vuông gốc với chiếc ghe mà theo người địa phương hay gọi là “cây bẹo”. Cây bẹo có tác dụng như một chiếc bảng quảng cáo hàng hóa đơn sơ nhưng hữu dụng. Người mua muốn tìm mặt hàng  thì chỉ cần nhìn vào cây bẹo của từng ghe là có thể biết được ghe nào bán loại hàng hóa mình cần. Những du khách phương xa đặc biệt là du khách nước ngoài đặc biệt rất thích thú khi được ngắm nhìn những cây bẹo vươn cao treo lủng lẳng các thứ nông sản. Hình ảnh ấy gợi lên một cái gì đó rất miền tây, gần gũi và bình dị. Không bắt mắt như những tấm biển quảng cáo trên các phố phường hấp dẫn người qua đường mà du khách nào cũng tranh thủ chụp vài tấm để mang về khoe với bạn bè, người thân.

Hàng hóa phổ biến ở đây là các loại nông sản miền tây như trái cây, các loại rau củ và vào dịp tết Nguyên Đán thì còn bổ sung thêm các loại hoa như cúc, mai, hướng dương, cây kiếng các loại. Trên những chiếc ghe bầu chở đầy dưa hấu, sầu riêng, vú sữa, thơm khóm, củ sắn,…v/v. Một số ghe đang trao đổi hàng hóa, những trái dưa hấu tươi ngon được những người nông dân chuyền tay từ ghe này qua ghe kia một cách nhịp nhàng dù mỗi người đứng ở 1 ghe cách xa nhau hơn 1 sải tay. Đây là lần đầu tiên tôi được cảnh chuyền trái cây chuyên nghiệp và điêu luyện như thế.
Ở chợ nổi này, không chỉ bán nông sản các loại mà còn phục vụ nước ngọt, điểm tâm sáng. Linh hoạt nhất trong khu chợ đông đúc ghe tàu này là các chiếc xuống máy nhỏ, di chuyển mọi gốc gách. Trên những chiếc ghe này, người ta bán các loại nước, điểm tâm sáng để phục vụ nhu cầu của du khách, của những chủ ghe. Thật không gì tuyệt vời bằng vừa tham quan chợ nổi vừa thưởng thức một tô bún rêu bóc khói thơm lừng vào lúc sáng sớm. Ngoài ra còn có những chiếc xuồng máy đóng vai trò như cửa hàng tạp hóa chuyên bán các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho những ghe từ phương xa tới và có cả ghe bán vé số kiến thiết….
Sau khi tham quan một vòng chợ, tàu của chúng tôi cập vào một ghe nhỏ bán trái cây. Trên ghe có rất nhiều loại như xoài, vú sữa, bưởi,… Chủ ghe cho biết tùy theo mùa mà anh vào vườn mua lại trái cây của người dân với giá sỉ rồi mỗi sáng chạy ghe ra chợ nổi bán lại cho du khách. Gía trái cây ở đây chênh lệch với trên đất liền không có bao nhiêu, bạn mua muốn loại trái cây nào chỉ cần nói với chủ tàu là chẳng mấy chốc sẽ tìm được ghe bán. Người bán thường mời chào rất vui vẻ và nhiệt tình, mùa nào thức ấy và thuận mua vừa bán.

Sau khi kết thúc hành trình tham quan chợ nổi, chúng tôi còn xuôi theo những con rạch nhỏ để trở về bến Ninh Kiều mà không đi theo sông Cần Thơ, tàu du lịch chạy qua những vườn cây ăn trái sum suê, những hàng dừa nước mát rượi. Cậu út kể cho tui nghe những câu chuyện về người dân miền tây, về cái thuở mà chú và thiếm mới vào đây để sinh cơ lập nghiệp, thắm thoát cũng mấy chục năm. Cậu út tôi bây giờ cũng không nhiều những nét đặc trưng của người miền bắc mà thay vào đó là chất hào sảng, mộc mạc của người dân nơi đây.
Tác giả bài viết: Jolly Tran
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
 
 
Designed by levantoankg@gmail.com
^ Về đầu trang